Triển lãm thị giác: “Những lũy thừa không số” – Trần Trọng Vũ

Cập nhật ngày: 23/09/14

Chiều qua, 21/09/2014, Heritage Space đã hân hạnh tổ chức một chuỗi sự kiện của Họa sĩ Trần Trọng Vũ gồm: Talkshow ra mắt cuốn sách “Thành phố bị kết án biến mất” và đặc biệt là Khai mạc triển lãm “Những lũy thừa không số” bao gồm những tác phẩm sắp đặt mang đặc trưng phong cách nghệ thuật của chính anh. Sự kiện đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo những người yêu thích nghệ thuật thị giác và các cơ quan truyền thông báo chí,… Chuỗi sự kiện vừa qua nằm trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa – nghệ thuật được tổ chức thường xuyên tại Trung tâm văn hóa Heritage Space – Dolphin Plaza.

 

Từ nhiều năm nay, họa sỹ Trần Trọng Vũ sống, sáng tác, triển lãm tại Paris và nhiều thành phố châu Âu khác. Tuy nhiên, anh vẫn dành thời gian trở lại Việt Nam trong khuôn khổ dự án đào tạo các họa sỹ trẻ, làm triển lãm cá nhân hoặc ra mắt sách. Sự chín muồi trong ngôn ngữ thể hiện, tính thời sự, tính quốc tế trong các sáng tác của anh luôn thu hút được sự chú ý của công chúng yêu nghệ thuật và báo giới.

Họa sỹ Trần Trọng Vũ và anh Nguyễn Đình Thành khai mạc triển lãm

Trong triển lãm này tại Việt Nam, theo lời mời của Trung tâm văn hóa – nghệ thuật Heritage Space, anh chọn giới thiệu những bức tranh trên nền trong suốt. Đây có thể coi là một lời mời bước vào thế giới nghệ thuật của Trần Trọng Vũ, nơi cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật không tách rời nhau, nghệ thuật như đời sống. Anh xếp đặt các mảnh vụn của cuộc sống, đưa các vấn đề đương đại vào từng tác phẩm nhỏ, ghép chúng lại để tạo thành một tác phẩm lớn. Cảm xúc và câu chuyện của mỗi người xem cũng vì thế vô cùng đa dạng và dấy lên một luồng suy nghĩ dai dẳng, khó có thể bỏ qua. Các tác phẩm của anh thường chiếm trọn không gian và đưa người xem vào bên trong một vở kịch không lời.

Một góc triển lãm

Trần Trọng Vũ tự bạch về triển lãm: “Tôi muốn đưa người xem đến với một vở kịch. Vở kịch của hình ảnh, lấp đầy bởi những khoảnh khắc chân thật của hiện thực, của những nhân vật đến từ cuộc sống đô thị và đương đại. Những nhân vật thân mật mà xa lạ, tự khép kín mình trong những câu chuyện thị giác’’.

Người xem như lạc vào một vở kịch không lời chứa đầy mâu thuẫn

Họ ở đấy im lặng trong vở kịch, những cá nhân này giống nhau đến hoàn hảo, những nhân vật kia nhắc lại nhau đến vô lý. Để tất cả cùng trở nên vô danh. Họ ở đấy, trong không gian bình yên, trộn lẫn vào nhau đến quên bản thân, quên cả nguyên bản và biến tấu. Họ ở đấy cùng nhau, vay mượn nhau cử chỉ và khuôn mặt, mà chẳng thể liên quan tới nhau. Họ đồng loạt sử dụng hình ảnh của thân thể, để diễn đạt khả năng thích nghi yếu kém của họ với thế giới xung quanh. Họ ở đấy đắm chìm trong những không gian cá nhân nhỏ bé và ích kỷ, không thể cảm nhận được chuyển động cùng tiếng động nơi đám đông. Sẵn sàng im lặng, như những thành viên im lặng của dàn nhạc. Vở kịch không lời như vậy có thể  mở vào một thế giới rộng lớn và một xã hội mâu thuẫn.

Bên cạnh đó, vào lúc 15:00 cùng ngày, cũng tại Không gian văn hóa Heritage Space, Trần Trọng Vũ đã có buổi nói chuyện với công chúng xung quanh công việc sáng tạo của mình và cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên : « Thành phố bị kết án biến mất ».

Buổi nói chuyện được tổ chức trong không gian ấm cúng của thư viện Heritage Space

“ Thành phố bị kết án biến mất” là một tiểu thuyết có độ dài gần 300 trang in, được viết theo một cách chưa từng có trong tiền lệ, những cấu trúc câu không có một dấu phẩy nào; ngôn ngữ, ngoài chức năng biểu đạt ngữ nghĩa, còn là các thành tố tham gia vào một sự sắp đặt về nhịp điệu, về màu sắc, về hình khối.

Các nhân vật, các tình tiết, những đoạn đối thoại, âm thanh, ánh sáng và cả không khí cũng nằm trong cuộc sắp đặt này.

Tiểu thuyết đầu tay của Trần Trọng Vũ

Nếu như người ta nói nhiều đến loại hình nghệ thuật đa phương tiện mà các nghệ sĩ đương đại đang ưa chuộng, thì ở góc độ này, Trần Trọng Vũ đã sử dụng nó trong “Thành phố bị kết án biến mất” một cách thần diệu. Các yếu tố thị giác được sử dụng triệt để trong một văn bản tiểu thuyết. Và dường như chính điều này đã góp phần quan trọng đem lại những hiệu quả khác biệt cho tác phẩm.

Tiểu thuyết này có thể được xem như một tác phẩm hội họa siêu thực được hình thành bởi ngôn từ. Có những chi tiết cực thực. Cực thực đến mức siêu thực. Cũng có thể xem tác phẩm của Trần Trọng Vũ như một tác phẩm văn chương có màu sắc phi lý. Trong đó con người bị mất chỗ đứng, mất cảm giác về không gian và thời gian. Sự việc mù mờ thiếu đi thứ logic phổ biến.

Mượn lời của nhà báo Lê Anh Hoài: Có những cuốn sách hợp với thị hiếu đám đông. Chúng dễ đọc bởi cách diễn đạt, dễ tiếp nhận bởi cách đặt vấn đề. Chúng đem đến cho tác giả vinh quang nhanh chóng và nhiều thứ lợi ích khác. Nhưng “Thành phố bị kết án biến mất” không nằm trong số đó.

Độc giả của “Thành phố bị kết án biến mất” có thể bắt gặp ý tưởng của câu chuyện được dựng lại đầy màu sắc, hình khối với những con người và không gian bị nhân bản, những cuộc kiếm tìm vô vọng trong thế giới thu nhỏ của triển lãm “Những lũy thừa không số”.

Trong “Những lũy thừa không số”, Trần Trọng Vũ xây dựng một mê cung bằng những hình ảnh này. Người xem đi vào giữa những tác phẩm của anh, với những con người lặng lẽ trong các tư thế dường như từ chối giao tiếp, cùng những bức tường bê tông lạnh lẽo. Người xem cũng sẽ trở thành một phần của tác phẩm, tương tác với những con người câm lặng của Trần Trọng Vũ. Họ sẽ phải đối diện với những nhân vật đến từ cuộc sống đô thị đương đại và nhìn thấy hình bóng của chính mình. Những kẻ tự khép mình trong câu chuyện cá nhân, đắm chìm trong không gian cá nhân nhỏ bé và ích kỷ.

Triển lãm mở cửa trưng bày từ 21/09 đến 15/10/2014 tại nhà triển lãm Heritage Space – Dolphin Plaza cho đông đảo công chúng tham gia.

Những hình ảnh khác :

Tại buổi nói chuyện ra mắt tiểu thuyết “Thành phố bị kết án biến mất”:

Tại triển lãm: “Những lũy thừa không số” :

Bài viết liên quan